Gia phả của họ Nguyễn Khoa, trước kia biên chép thế nào, chẳng rõ. Đến đời thứ 10, cụ Thượng thơ Nguyễn Khoa Đạm, căn cứ trên bản Gia phả bằng chữ Hán của cụ Nguyễn Khoa Dinh mà chép lại và có bổ túc thêm. Đời thứ 11, cụ Hường lô Nguyễn Khoa Vy dịch sang tiếng Việt để về sau con cháu có thể đọc được. Nay chúng ta cũng không làm gì hơn là bổ túc tài liệu để Gia phả của Họ được cập nhật.
Gia phả là lịch sử của một dòng họ, ghi chép nguồn gốc, tên tuổi, sự nghiệp, hành vi, đức hạnh của Tiền nhân.
Gia phả của Họ, được ghi chép bắt đầu từ đời Tổ Nguyễn Đình Thân vào Nam (1557), là một công trình biên khảo công phu, tóm tắt quá trình sinh hoạt của dòng họ. Công trình không nhằm mục đích đề cao, khoe dòng họ Nguyễn Khoa mà chủ yếu nói lên sự thật để con cháu biết rành rẽ công đức và sự nghiệp của Tổ tiên Ông bà.
Tổ Nguyễn Đình Thân vào Nam, sau ra giúp nước có công trạng, được phong đến tước Hầu. Từ đó, con cháu đời đời kế tiếp làm nên sư nghiệp hiển hách, giữ tánh tình trung thực đôn hậu làm đường lối xử thế, lấy công việc ích dân, lợi nước làm truyền thống tiến thân, khiến người đương thời kính phục khen ngợi. Người ngoại quốc cũng biết tiếng nên trong tạp chí Thân hữu của Cố đô Huế (Bulletin des Amis du Vieux Hué) có giới thiệu tiểu sử của các Tổ, từ đời thứ nhất đến đời thứ tám. Thật là một vinh dự lớn lao cho Dòng họ.
Lần giở những trang Gia phả, chúng ta không khỏi vui mừng sung sướng nhận thấy chúng ta có bậc Tiến bối đã từng đóng góp công sức to lớn cho đất nước, giữ chức vụ quan trọng phục vụ quốc gia, có tài năng lỗi lạc xuất chúng, có những hành động anh dũng được so sánh với các bậc vĩ nhân như Bao Công, Triệu Tử Long, gây tiếng tăm lừng lẫy qua những thời “phụ tử đồng triều” và “huynh đệ đồng triều.” Bên nam đã như vậy, bên nữ các bà cũng giúp cho Họ danh tiếng vẻ vang không ít.
Chúng ta cũng vui mừng và sung sướng nhận thấy nếp sống đạo đức là nếp sống chung của Họ. Qua bao nhiêu đời, dù nên công danh sự nghiệp lớn lao hay sống đời bình thường giản dị, dù trai hay gái, ai cũng tôn trọng và bảo tồn nhân phẩm, nhân cách, sống bằng khả năng của mình, lương thiện, hiền lành, biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau, giữ gìn gia phong, gia thế, lại hòa hiệp với láng giềng, với tất cả mọi người.
Người làm việc nước thì hết lòng vì dân, khiêm tốn, thanh liêm. Người không đảm trách chức vụ, địa vị trong xã hội thì sống bình dị, yên vui với phận mình, không vì giàu sang mà kiêu xa, không vì nghèo nàn mà bất chính, luôn luôn ngay thẳng trong việc làm, trong lời nói, trong thái độ đối xử với đời. Nếp sống đạo đức này đã làm cho dòng họ Nguyễn Khoa luôn được người đời yêu mến và kính trọng.
Là thừa kế, chúng ta phải tỏ ra xứng đáng là hậu duệ của các bậc đã để lại cho chúng ta di sản tinh thần cao quí như vậy. Dù cuộc đời thế nào, dù ở phương trời nào, mỗi chúng ta cũng phải lưu truyền và phát huy phẩm chất của dòng họ ngày thêm trong sáng rạng rỡ.
Gia phả không chỉ ghi chép lại sự nghiệp công đức bao đời Tổ tiên mà chủ yếu cũng để nhắc nhở tất cả hậu bối phải chăm lo giữ gìn gia phong để dòng họ đời đời được sự yêu thương kính nể của mọi người và tận dụng khả năng của mình để góp phần phục vụ đất nước và nhân dân.
Tháng 10 năm 1986
Nguyễn Khoa Phẩm
Tộc trưởng