Định ngày Lễ thu tế hằng năm

Hiện nay, Họ chúng ta mỗi năm có ngày lễ Thu tế là quan trọng nhất. Lễ Thu tế không những là một lễ Hiệp kỵ (lễ giỗ chung tất cả Tổ tiên Ông bà) để con cháu có được dịp chiêm bái và tưởng nhớ các bậc tiền bối và sau nữa một dip hết sức quí để bà con con cháu gặp gỡ nhau, từ đó đi đến chỗ gần gũi nhau, giữ tình gia tộc luôn luôn được bền vững. Nếu không có lễ Thu tế thì có thể năm, mười năm hay lâu hơn nữa, bà con chúng ta chưa có dịp gặp mặt nhau qua một lần; từ đó tình bà con dễ phai lạt và họ hàng dễ tan rã.

Để tránh tình trạng này, đã là con cháu trong Họ, chúng ta phải cố gắng, bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ ở đâu, luôn luôn duy trì cho bằng được ngày lễ Thu tế của Họ là ngày lễ cổ truyền đúng mồng 6 tháng 7 âm lịch hàng năm. Tuy vậy, vì thời thế, có lúc ngày này cũng được sửa đổi theo nhu cầu của mỗi thời đại: như hồi ba năm 1946 1948, các ngài xưa cũng đã có lần sửa đổi để cử hành vào ngày chủ nhật là ngày nghỉ để con cháu có thề đến lễ bái Ông bà và gặp gỡ bà con. Đến 1949, hoàn cảnh trở lại bình thường ngày Thu tế lại trở về với ngày cũ là ngày 6 tháng 7 âm lịch.

Nay, một lần nữa, sau biến đổi 1975, bà con nhận thấy việc cử hành lễ Thu tế theo ngày cổ truyền như trước là ngày 6/7 âm lịch không còn thích hợp vì làm đúng ngày ấy mà không gặp ngày chủ nhật thì một số con cháu phải vắng mặt: người lớn thì bận công việc làm ăn, còn lớp trẻ bận học hành ở nhà trường. Trong khi thảo luận về vấn đề này, có một số ít bà con lớn tuổi lại muốn duy trì ngày cổ truyền và đồng thời cũng là ngày giỗ (mồng 6 tháng 7 âm lịch) của ngài Hiên chương Hầu Nguyễn Khoa Thuyên (đời thứ 6). Để dung hòa, bà con nhất trí lấy ngày chủ nhật gần ngày 6 tháng 7 nhất làm ngày lễ Thu tế trong năm với dụng ý là mỗi khi chúng ta tính đến ngày lễ Thu tế là chúng ta phải nghĩ ngay đến ngày cổ truyền mồng 6 tháng 7 âm lịch để sau này, khi thời thế thuận tiện, chúng ta lại trở về với ngày cổ truyền mà không bỡ ngỡ, và có như vậy chúng ta mới tính biết được ngày Thu tế là ngày chủ nhật trước hay chủ nhật sau mồng 6 tháng 7 âm lịch.

Ví dụ 1 Năm 1988 (Mậu thìn) ngày cổ truyền 6/7 âm lịch nhằm ngày thứ tư, muốn lấy Chủ nhật gần thứ Tư thì phải lấy Chủ nhật trước là ngày 3/7 âm lịch chỉ cách thứ Tư có 2 ngày (Thứ hai và Thư ba). Còn nếu lấy Chủ nhật tiếp sau là ngày 10/7, cách xa đến 3 ngày (Thứ năm, Thứ sáu vá Thứ bảy).

Ví dụ 2 Năm1987 (Đinh mão) ngày 6/7 âm lịch nhằm ngày Thư sáu. Ngày Chủ nhật trước đó nhằm ngày 1/7 và Chủ nhật sau đó là ngày 8/7. Vậy phải lấy ngày 8/7 làm ngày Thu tế vì 8/7 chỉ cách 6/7 có một ngày.

Lễ Thu tế đầu tiên áp dụng theo ngày Chủ nhật bắt đầu từ Lễ Thu tế năm Mậu ngọ (1978): lễ được cử hành cùng một ngày tại Huế cũng như Sài Gòn.

 

Huế, Thu tế năm 1988

Nguyễn Khoa Sỹ