Đình Trạm Bạc và lăng mộ Ngài Tị Tổ họ Nguyễn Đình - Nguyễn Khoa

Đình  Trạm Bạc và lăng mộ Ngài Tị Tổ họ Nguyễn Đình - Nguyễn Khoa ở Thôn Trạm Bạc, xã Lê Lợi , huyện An Dương

Trạm Bạc nơi dân cư đến sinh cơ, lập nghiệp muộn nhất vào thời Lý-Trần, thế kỷ XI-XIII và được ổn định vào thời Lê-Mạc thế kỷ XVI. Bởi làng thờ Thành hoàng là Đoàn Thượng, danh tướng thời Lý, thế kỷ XII-XIII. Trong bia đá ghi chép về việc trùng tu quán cầu Tiên Nghênh, dựng năm 1718 có ghi nhân dân xã Trạm Bạc, huyện An Dương công đức tiền để trùng tu cây cầu.

Đình Trạm Bạc và lăng mộ ngài tị tổ họ Nguyễn Đình, Nguyễn Khoa toạ lạc tại thôn Trạm Bạc, xã Lê Lợi. Cụm di tích được xếp hạng di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2014. 

Trạm Bạc nơi dân cư đến sinh cơ, lập nghiệp muộn nhất vào thời Lý-Trần, thế kỷ XI-XIII và được ổn định vào thời Lê-Mạc thế kỷ XVI. Bởi làng thờ Thành hoàng là Đoàn Thượng, danh tướng thời Lý, thế kỷ XII-XIII. Trong bia đá ghi chép về việc trùng tu quán cầu Tiên Nghênh, dựng năm 1718 có ghi nhân dân xã Trạm Bạc, huyện An Dương công đức tiền để trùng tu cây cầu. 

Theo khai báo thần tích của xã Trạm Bạc năm 1938, đình Trạm Bạc thờ bốn vị thành hoàng gồm: Đông Hải Đại Vương, Nam Hải Đại Vương, Trung Nhạc Đại Vương và ngài Nguyễn Khoa Dục. Ba vị thần: Đông Hải, Nam Hải và Đông Nhạc là thiên thần và không rõ thần tích. Nhưng theo các nghiên cứu về các vị thần được phụng thờ tại Hải Phòng, Đông Hải Đại Vương là Ngài Đoàn Thượng, một danh thần, trung quân, ái quốc cuối triều Lý, thế kỷ XII-XIII. Đoàn Thượng có duệ hiệu là Đông Hải Đại Vương (duệ hiệu này chỉ riêng của ông), ông được thờ ở rất nhiều địa phương của Hải Phòng và vùng đồng bằng Bắc bộ, trong đó có một số làng của xã Bát Trang, làng Đông Nham, xã Quốc Tuấn. Những địa phương trên rất gần với làng Trạm Bạc. 

Ngài Nam Hải Đại Vương, tại Hải Phòng có ba vị thần có duệ hiệu như trên: một là An Dương Vương, được thờ tại làng Khúc Gian, An Lão; Ngài Phạm Tử Nghi được nhiều làng nằm ven sông của huyện An Dương phụng thờ. Ngài Phạm Hải, thời Hùng Vương (thờ ở vùng Tiểu Trà, huyện Kiến Thụy). Như vậy có thể đình Trạm Bạc thờ Ngài Phạm Tử Nghi, bởi làng Trạm Bạc nằm ven sông Lạch Tray. Về Ngài Đông Nhạc Đại Vương hiện chưa rõ. Cả 4 vị được thờ bằng bài vị. Trước năm 1938, xã Trạm Bạc còn giữ được 4 đạo sắc phong thuộc đời vua Khải Định 9 (1924), sắc tặng cho các vị Thành hoàng thờ tại đình Trạm Bạc

Vị Thành hoàng thứ 4 - Nguyễn Khoa Dục nguyên là quan Tuần phủ tỉnh Quảng Yên, triều Tự Đức, có công làm đình, miếu và chiêu dân lập ấp, đánh giặc Khách (giặc biển Trung Quốc), tử trận ngày mùng 1 tháng 4. Triều đình nhà Nguyễn xét công trạng đã đưa ông vào thờ tại đền “Trung liệt” của quốc gia tại kinh thành Huế. Ông được đặt tên đường phố tại phường Cát Bi, quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Ông là bậc tiền bối thứ 8 họ Nguyễn Khoa (Nguyễn Đình xưa có nguồn gốc ở làng Trạm Bạc). Do có nhiều công lao, ngài được triều đình nhiều lần phong thưởng và được ban sắc phong cho làng Trạm Bạc thờ làm Thành hoàng. Sách Đại Nam thực lục và Đại Nam liệt truyện của Quốc Sử quán triều Nguyễn cùng gia phả dòng họ Nguyễn Khoa cho biết: Ngài Nguyễn Khoa Dục tự là Quang Phủ, sinh ngày 23 tháng 8 năm Mậu Thìn (1808); mất ngày 1 tháng 4 năm Canh Thân (ngày 21 tháng 5 năm 1860). Ngài là con trai Ngài Nguyễn Khoa Minh - đại thần dưới hai triều vua Gia Long và Minh Mạng; hiệu của ngài là Thành Mỹ hầu, tước vị Thái tử Thiếu bảo, Hiệp biện Đại học sĩ, giữ chức thượng thư Bộ Hộ, được sung vào Cơ Mật viện đại thần kiểm quản Hàn Lâm viện, Khâm Thiên giám. Năm 1831, dưới triều vua Minh Mạng, Ngài Khoa Dục được tập ấm sinh Quốc Tử Giám, hàm Chánh thất phẩm, được bổ làm Tư vụ Nội vụ. Hai năm sau ngài được bổ chủ sự Bộ Công. Năm Thiệu Trị, năm đầu (1841), ngài được thăng chức Lang trung, bổ làm Án sát tỉnh Thanh Hóa. Năm Tự Đức, năm đầu (1848), ngài được thăng Bố Chánh kiêm Tuần phủ Quảng Yên. 

Theo địa phương ghi chép, đình Trạm Bạc do Ngài Nguyễn Khoa Dục hưng công cùng với dân làng xây dựng vào niên hiệu Tự Đức thứ 2 (1849). Đình xưa được dựng trên một gò đất cao, hướng nhìn Đông Nam. Đình có bố cục mặt bằng hình chữ đinh truyền thống, gồm 3 gian tiền tế và 1 gian hậu cung. Kiến trúc công trình được dựng kiểu tường hồi bít đốc, đấu trụ hồi văn, tay ngai trụ biểu; kết cấu bộ khung chịu lực bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi, nền lát gạch bát. Trong khuôn viên đình có nhiều cây đa cổ thụ. Năm 1970, đình bị dỡ lấy vật liệu xây dựng một số công trình công cộng như: trường học, nhà kho... nhiều đồ thờ bị thất lạc, một phần được dân làng cất giữ. Thời gian này, trên nền đình được xây dựng nhà trẻ. Năm 2002, nhà trẻ di chuyển đến địa điểm khác, trên nền đình được nhân dân dựng lại phần hậu cung để phụng thờ các vị thành hoàng. Năm 2009, nhân dân đóng góp công, của phục dựng tòa tiền tế bằng vật liệu bê tông cốt thép. Ngôi đình hiện nay có bố cục hình chữ Công, gồm: 3 gian tiền tế, 1 gian ống muống và 2 gian hậu cung. Kiến trúc đình kiểu tường hồi bít đốc, đấu trụ hồi văn, tay ngai, trụ biểu, quay về hướng Đông Nam theo cổ lệ, diện tích khuôn viên là 1047,2 m2.

Kiến trúc tòa tiền tế gồm 3 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, đấu trụ hồi văn, tay ngai trụ biểu. Mái đình lợp ngói mũi, bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt. Kết cấu bộ khung chịu lực tòa bái đường gồm 2 bộ vì; vì nóc làm kiểu “chồng đấu giá chiêng”; vì nách kiểu “chồng rường đấu kê”. Trang trí hoa văn có đấu sen, lá lật cách điệu. Kết cấu tòa hậu cung tương tự như tòa tiền đường. 

Khuôn viên đình được xây tường bao bảo vệ. Phía trước sân đình là 2 cây đa cổ thụ trên 100 năm tuổi, bên hữu là lầu bia, bên trong đặt tấm bia đá niên hiệu Tự Đức thứ 6 (1853), nội dung bia ghi lại quá trình khai khẩn lập làng và dựng đình, miếu làng Trạm Bạc.

Kiến trúc khu lăng mộ ngài tị tổ dòng họ Nguyễn Đình, Nguyễn Khoa:

Lăng mộ Ngài tị tổ họ Nguyễn Đình, Nguyễn Khoa; được di chuyển từ khu công nghiệp Tràng Duệ về làng Trạm Bạc cùng xã Lê Lợi. Khu lăng mộ hiện được quy hoạch xây dựng lại trên một thửa đất rộng 1200 mcùng khuôn viên của đình Trạm Bạc. Khu lăng mộ còn bảo tồn được phần mộ đá ngài tị tổ do cụ Nguyễn Khoa Dục trùng tạo năm Tự Đức thứ 5 (1852), một tấm bia đá lớn do chính Nguyễn Khoa Dục soạn vào năm Tự Đức 5 (1852), ghi lại quá trình tìm mộ tị tổ của ngài.

Khu lăng mộ tị tổ họ Nguyễn Đình, Nguyễn Khoa hướng Tây Nam, nằm trong khuôn viên hình chữ nhật, toàn bộ khuôn viên có tường bao bảo vệ. Phần mộ được đặt chính trục đường “thần đạo”, gần về phía hậu bành của khuôn viên nội. 

Khuôn viên nội xây kiểu thế tay ngai, trụ biểu. Phía trước của hai bên phần mộ là 2 chiếc bàn đá hình hộp chữ nhật dùng để bày lễ. Ngay trước phần mộ và thấp hơn một chút là nhang án đá, nhang án cũng hình hộp chữ nhật, được tạo bằng những phiến đá lớn. Bốn mặt của nhang án đá, bàn đá đều được tạo các đường diềm chỉ, trang trí kiểu chữ triện cách điệu.

Sát với phần mộ và lui về phía sau, đặt bên trái là tấm bia đá cổ, bên phải là giếng nước tròn bằng đá cổ. Nhìn ra phía trước của khuôn viên nội là trụ biểu. Trụ được dựng hai bên của bậc ngũ cấp - lối lên khuôn viên nội, hai bên thành bậc ngũ cấp đắp đôi rồng chầu về phía trước. Từ khuôn viên nội, hướng theo trục thần đạo là bức bình phong tạo bằng những tảng đá xanh hình tứ giác, ngũ giác… Hai bên bức bình phong là hai cột đồng trụ, tạo kiểu đỉnh đèn lồng, thân hình trụ, đế vuông. Thân trụ biểu đắp nổi câu đối bằng chữ Hán, nội dung ca ngợi công lao của tị tổ và hậu duệ của dòng họ Nguyễn Đình, Nguyễn Khoa.

Trải thời gian lịch sử, đình Trạm Bạc và lăng mộ ngài tị tổ dòng họ Nguyễn Khoa còn bảo tồn được nhiều di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hoá, tâm linh tín ngưỡng như: Bia đá, Sắc phong, Ngôi mộ Ngài tị tổ, Hai chiếc bàn đá sắp lễ, Nhang án đá (đặt phía trước lăng mộ), Giếng cổ,…

Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng: Lễ hội truyền thống đình Trạm Bạc được tổ chức vào các ngày 15 tháng 2 và mùng 1 tháng 4 âm lịch hằng năm. Ngoài ra còn ngày tế thượng, hạ điền... Phần hội có các trò chơi: đi cầu thùm, cờ tướng, tổ tôm điếm, kéo co, hát chèo sân đình… Lễ hội dân gian truyền thống là nét văn hóa đặc sắc của nhân dân làng Trạm Bạc nói riêng và khu vực đồng bằng Bắc Bộ nói chung. Ngày nay người dân địa phương đang từng bước khôi phục, kế thừa những nét đẹp văn hóa trong lễ hội của tiền nhân để lại.

Đình Trạm Bạc mới được phục dựng lại, thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và của nhân dân địa phương, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng cổ truyền, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương. Đặc biệt, cùng với ngôi đình, khu lăng mộ Ngài tị tổ dòng họ Nguyễn Đình, Nguyễn Khoa tạo thành một cụm di tích có giá trị về lịch sử, văn hóa. Khu lăng mộ tuy mới được di dời về vị trí hiện nay, song cơ bản vẫn giữ được lối kiến trúc, kiểu dáng ban đầu với quy mô bề thế, đẹp đẽ, khang trang hơn trước. Truyền thống của dòng họ có nhiều công lao to lớn với dân, với nước sẽ mãi được các thế hệ con cháu học tập và noi theo. 

Thành đoàn Hải Phòng