Lai lịch chữ “Diệu” trong họ Nguyễn Khoa

Tên của con cháu phái nữ họ Nguyễn Khoa thường có chữ lót là Diệu, nhưng không mấy ai để ý chữ lót ấy xuất xứ từ đâu, có từ bao giờ, ai là tác giả.

“Diệu” là một danh từ được dùng nhiều trong Phật giáo. Diệu có nghĩa là cao siêu, tinh tấn, đẹp đẽ, thanh thao, nhiệm màu. Diệu phản nghĩa với thô tục. Thoát ngoài phiền não gọi là Diệu. Có rất nhiều vị Phật, vị Bồ tát hoặc kinh Phật mang chữ Diệu như Diệu quang Bồ tát, Diệu sắc Thần Như Lai, Diệu thiện Công chúa, Diệu pháp Liên hoa Kinh…

Nhận thấy chữ Diệu có ý nghĩa cao đẹp, tuyệt vời như vậy, bà Đạm phương Tôn nữ Đông canh, hiệu Nữ sử, phu nhân cụ Nguyễn Khoa Tùng (đời thứ 10,) là người đầu tiên đã chọn chữ Diệu làm chữ lót để đặt tên cho các con và cháu gái của Bà. Trưởng nữ của bà Nguyễn Khoa Diệu Nhơn (tức bà Bửu Du) là người con gái Nguyễn Khoa đầu tiên được vinh dự mang chữ Diệu, rồi đến em ruột Nguyễn Khoa Diệu Duyên.

Từ đó mở đường cho tất cả con gái Nguyễn Khoa dùng chữ Diệu để thay thế chữ Thị vẫn quen dùng. Thế rồi một số con cháu gái bên ngoại Nguyễn Khoa cũng noi theo lấy tên lót là Diệu. (Tiếp theo, nhiều người ngoài Họ – không phải Nguyễn Khoa – thấy chữ Diệu không những có nghĩa đẹp mà còn có ngụ ý thanh thoát nên cũng bắt chước lấy chữ Diệu để đặt cho con em phái nữ của mình. Do đó chữ Diệu ngày nay đã trở thành khá phổ cập.) Mỗi khi thấy tên lót chữ Diệu là chúng ta hiểu ngay người có tên đó thường thuộc phái nử.

Đây cũng là một đặc điểm của Họ Nguyễn Khoa mà con cháu cần biết để hãnh diện khi được mang tên có chữ Diệu, một di sản tinh thần của Ông bà để lại cho con cháu ngày nay.

 

Nguyễn Khoa Sỹ sưu khảo

(tháng 7 năm 1984)