common.loading

Đời thứ 7: Đệ tứ cung tầng Nguyễn Khoa Thị Thu

Bà là con thứ hai của cụ Tham chánh Hiến chương Hầu Nguyễn Khoa Thuyên, cùng mẹ với Triệu thành Hầu Nguyễn Khoa  Kiên và Trịnh tường Hầu. Bà được vời vào cung làm Đệ tứ Cung tần của vua Định Vương (Hiếu định Hoàng đế.)

Năm Ất Vi (1775) quân nhà Trịnh ở ngoài Bắc vào đánh Kinh đô Huế, vua phải bỏ thành. Khi ra khỏi thành, phần nhiều cung tần thị nữ được cho về nhà. Riêng Bà theo phò vua vào đến Quảng Nam. Trước khi đi thuyền vào Gia Định, Bà đã thuê người đem thư tin cho phụ thân Hiến chương Hầu Nguyễn Khoa Thuyên và bào huynh Triệu thành Hầu Nguyễn Khoa  Kiên, đang trấn thủ đồn Vân Phong, tỉnh Bình Định, đem quân ra biển cứu giá.

Trong khi ấy lại có quân Tây Sơn ở Quy Nhơn ra chặn đường thì cụ Hiến chương Hầu theo hộ giá vua vào Gia Định trước, còn con cụ là ông Triệu thành Hầu thì ở lại cầm cự với giặc ở giữa biển không cho đuổi theo thuyền ngự giá.

Khi vua vào đến Gia Định bình yên, thăng cho cụ chức Tham chánh kiêm bộ Binh và bộ Hộ. Hai năm sau vua băng hà, cụ cũng xin về hưu và về ở tỉnh Vĩnh long đi tu. Cụ có lập ngôi chùa ở tỉnh ấy gọi là Long quang Tự. Được 12 năm cụ mất. Lúc bấy giờ ngài Thành mỹ Hầu mới lên 12 tuổi, ngài Hào nguyên Hầu 11 tuổi, chỉ có một mình Bà là chị cả đảm đang hết công việc nhà, trên thì mẹ già dưới thì em trẻ, trong một thời gian 20 năm.

Khi vua Gia Long phục quốc (1802) Bà cùng gia quyến trở về quê, rồi tâu xin phục trưng đất Nội tán lại để dời mộ cụ từ Vĩnh Long, ông Triệu thanh Hầu từ Quy Nhơn và ông Trịnh tường Hầu từ Hà Nội về. Các vị đều là Công thần Vị quốc Vong thân cả. Bà lại tâu xin đất Quang Phòng ở phường Tây Thượng mà làm nhà thờ cho cụ.

Năm Gia Long thứ 5 (1806) Bà mất, mộ táng ờ dưới lăng sinh mẫu Bà. Về sau, cụ Thành mỹ Hầu quy táng tất cả các ông anh, các bà chị là con Ngài Tham chánh mà vô tự, táng chung lại một chỗ, tất cả bảy người. Mộ ấy, cụ Kinh tế cho sùng tu lại và xây thêm hai trụ biểu.

Khi cụ Thành mỹ Hầu làm nhà thờ Tây Thượng, gian giữa thờ Ngài Tham chánh, gian tả thờ các ông anh và gian hữu thờ Bà. Đời con cụ là cụ An nhơn, nguyên tự trưởng ở nhà thờ, cũng thờ phượng cô bác như thường mà không có hương hỏa tự điền. Đến đời thứ 9, cháu cụ là ngài Ba la Nguyễn Khoa  Luận cùng ba ông anh em ruột là ông nội tôi, ông Ba thân sinh ông Thị Ngô, ông Nghè thân sinh cụ Kinh tế và con là ông Huyện Cả, cháu là ông thân tôi, sáu người chung mua 9 sào ruộng ở làng Ngọc Anh để làm hương hỏa cho cô bác gọi là “Tổ bà Tổ cô.” Ruộng này giao cho thân sinh tôi là đích tôn giữ, để lo cúng giỗ hàng năm trong một lễ kỵ chung.

Đời nay, nhà thờ Tây thượng xem như nhà thờ chung của cả Họ mà gian hữu lại thờ Bà Cô, khác hẳn nhà thờ Họ của thiên hạ là thế.

Thảo am Nguyễn Khoa  Vy