Đời thứ 9: Viên Giác đại sư Nguyễn Khoa Luận

Cụ là lập ấm chi tôn của ngài Thành mỹ Hầu. Nhập giám học, học giỏi có tiếng. Trào Tự đức, năm thứ 14, Khoa thi Tân Dậu, cụ đậu Cử Nhơn năm thứ 16. Năm thứ 18, Tổng đốc Hà Ninh Trần Đình Túc tiến cử cụ thọ hàm Hiếm thảo. Năm thứ 20, thăng Biên tu và lãnh chức Chủ sự Bộ Lại. Năm thứ 21, ra Tri phủ Thọ Xuân. Năm thứ 24, bị bệnh, trở về kinh, rồi được bổ Viên ngoại Đại lý tự. Năm thứ 27, thăng Lang trung bộ An Nhơn; qua năm thứ 30 bổ Biện lý bộ Công, kiêm Quản Đại lý An triện. Năm thứ 31, chuyển qua bộ Lại, bổ An sát Quảng bình: trong năm ấy cụ ông được phong tặng tước An Nhơn Hàn lâm Thị độc và cụ bà được phong Ngũ phẩm Nghi nhân, ân thưởng 3 cây hàng sắc, 1 đồng kim tiền Phú thọ Đa nam, 1 đồng bát bửu, lại thêm khăn điều, quạt trúc và đảy gấm. Năm thứ 32, cụ bà mất, cụ về lo tang lễ. Năm thứ 34, mãn tang, cụ được bổ Bố chánh Quảng Ngãi; hồi đó cụ có sớ tâu xin đi qua Âu Châu học kỹ nghệ cơ khí mà không được chuẩn. Một ngày kia, cụ lên chùa Thiên ấn và viết lại trên vách chùa một câu đối:

Thế giới hạnh hữu thân, khổ hải dục siêu vô vật giả

Bình sanh bất thức Phật, từ tâm ngẫu hiệp niệm A di.

Có lẽ thiền căn của cụ đã lộ ra từ khi đó vậy. Năm thứ 36, cụ về nhậm chức Thị lang bộ Binh. Đến tháng 6, vua Tự Đức băng hà cụ giữ chức Phó Đốc lý Tang nghi. Một hôm vào khiêm cung vô ý không cất nón phải bị giáng 2 trật còn lại chức Biện lý, rồi đổi ra Chánh sứ Văn phòng Cam Lộ. Sau đó, đuợc bổ Bố chánh Thanh hóa. Vào thời này, cụ hết sức lo lắng việc phòng thủ tỉnh thành. chống quân Pháp xâm lăng. Một hôm lên chơi và ngủ lại Chùa Mật Sơn, cụ chiêm bao thấy có người đưa cho cụ hai chữ Vô Sanh. Khi ấy cụ nghĩ rằng có lẽ thần linh bảo mình phải hy sinh cho việc thủ thành chăng. Về tỉnh, cụ viết hai chữ Vô Sanh lớn, dán một bên chỗ ngồi để nhớ và quyết tâm phòng thủ. Cụ mộ thêm lính và sắm thêm binh khí. Cụ bảo lấy tiền kho thì trong kho không còn một đồng nào hết. Cụ hỏi thì viên thủ kho trình rằng “các quan đều chuyên quyền lấy của kho người ít kẻ nhiều trước khi cụ đến nhậm chức.” Cụ tức mình, truyền đóng gông giam viên thủ kho, rồi làm giấy trình về Bộ tức tốc xin cho thanh tra gấp. Hồi ấy kinh thành nhiều việc, Bộ không quan tâm.

Đến khi nghe tin Kinh Đô đã thất thủ, vua Hàm Nghi đã bỏ trốn, và hòa nghị đã ký rồi, cụ buồn bực treo ấn từ quan. Cụ lên ở chùa ít ngày, rồi lần hồi đi đường bộ mà về kinh đô. Về Huế, ít khi ở nhà, cụ hay đi lên dạo núi này qua núi khác, viếng chùa nọ đến chùa kia, xa nơi thành thị, vui cảnh lâm tuyền. Một hôm cụ ghé vô chùa Từ Hiếu gặp hòa thượng Hải Triều, cụ mới đem chuyện chiêm bao nhận hai chữ “Vô Sanh” mà hỏi hoà thượng, được ngài giải thích rằng: “Trong thế gian có tam giáo. Nho giáo chủ trương sanh sanh; Lão giáo trường sanh và Phật giáo vô sanh. Như vậy, có lẽ Phật khuyên ông nên qui cửa thiền.” Khi ấy cụ mới giác ngộ mà xuất gia thí phát, lên tu ở chùa Thiền hưng, tu trường trai khổ hạnh. Cụ lại hay đi chơi các chùa khác ở ngoại tỉnh, như là chùa Non nước ở tỉnh Quảng Nam, chùa Thiên ấn ở Quảng Ngãi, nhứt là chùa Thạch Động ở Ba Lò gần Bình Định. Thời ấy các nghĩa hội chống Pháp thuộc nổi lên khăp nơi cả trong lẫn ngoài. Những hưu quan cư ải, nhiều người bị tội lây vạ tàn. Vả lại vua Đồng Khánh mới lên ngôi, nghi kị những người có lòng trung thành với vua Hàm Nghi, nên xã hội đầy một lũ xu thời phụ thế, ngày nào cũng sai người lui tới hỏi thăm để dò xét cụ.

Trong hoàn cảnh nguy hiểm, trong không khí nén ép như vậy, cụ bà cùng gia đình lo sợ cho sự an toàn của cụ, và hết sức khuyên lơn cụ làm chùa ở gần từ đường mà tu cho minh bạch, trước để cho khỏi bị nghi ngờ, sau để cho gần nơi thờ tự Ông Bà, vì ngài Tham Chánh khi xưa cũng tu, cũng lập nhiều chùa và cũng thọ giới tỳ kheo; nếu bây giờ có chùa một bên Nhà thờ của ngài Tham Chánh, ngày đêm có chuông mõ kinh kệ thì rất tốt. Cụ nghe nói như thế, động lòng hiếu thảo, đồng ý để cho gia đình lập chùa. Chùa lạc thành năm Bính Tuất (1886,) và cụ đặt tên là Chùa Ba La Mật, nghĩa là “đáo bỉ ngạn” (đến bờ bên kia.) Ba chữ ấy có hai ý nghĩa. Kinh Phật có câu khổ hải từ phàm, ý nói vượt qua bể khổ để rời bỏ cõi phàm. Nhà Nho có câu hoạn hải ba đào, tức ra làm quan cũng như vượt sóng gió để đến bờ. Cụ về ở chùa, tu bổ Nhà thờ và nhiều lần làm chay đốt áo cúng ngọ tổ tiên.

Năm Thành thái thứ 3 (1891) cụ thọ tỳ kheo giới với ngài Cương kỷ Hải triều Hòa thượng ở chùa Tư hiếu (lúc ấy hòa thượng đã 90 tuổi.) Qua năm 1894, cụ thọ Bồ Tát Giới, lấy đặc húy là Thanh Chân, hiệu là Viên Giác Đại sư. Trong thời kỳ hơn 10 năm ở chùa, gia đình có nhiều chuyện vui mừng (như là 3 người con của cụ thi đậu Cử nhơn liên tiếp hai Khoa , Tân Mão và Giáp Ngọ) nhưng tâm cụ không còn lay động.

Đến năm Canh Tý (1900) ngày 27 tháng 6 âm lịch, cụ viên tịch tại Chùa Ba La Mật. Đám tang cụ to lớn, cả chư sơn và bổn đạo hằng mấy trăm người đi đưa. Trướng liễn cũng nhiều, trong đó có câu đối:

Ưu thế hữu thâm lâm, bất tận độc lưu hoàng tạo vật,

Chí nhân đa diệu dải, tức cô khởi vị thuyết trường sanh.

Cho biết người đời cũng hiểu rõ cụ là một bậc trung hiếu hoàn toàn, một cao tăng đầy đức hạnh vậy.

 

Thảo am Nguyễn Khoa  Vy