Nguyên quán họ Nguyễn Khoa

Họ Nguyễn Khoa, xưa là Nguyễn Đình, gốc ở làng Trạm Bạc, tổng Văn Cầu, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, bây giờ là tổng Đồng Dụ, huyện An Dương, tỉnh Kiến An (không có Phủ). Đến đời thứ 3, họ mới đổi thành Nguyễn Khoa (cùng một thời với dòng Nguyễn hoàng-tộc bắt đầu lót thêm chữ Phước: đức Triệu Tổ tên là Nguyễn Kim, đức Gia Dũ tên là Nguyễn Hoàng, nhưng đến đời đức Hiếu Văn có tên là Nguyễn Phước Nguyên – theo bộ Ngọc phổ của Hoàng gia).

Từ năm Mậu Ngọ (1557) ngài thủy tổ Nguyễn Đình Thân theo chúa Nguyễn Hoàng vào trấn miền Nam và các đời con cháu đều làm quan, nay ở chỗ này, mai ở chỗ khác, tùy theo nơi nhậm chức, như là đời thứ 6 năm Ất vị (1775), khi kinh thành Huế thất thủ, cụ Tham chánh Hiển chương Hầu Nguyễn Khoa Thuyên phò-giá vua Định vương chạy vào Nam, ở Gia Định. Trong thời gian 26 năm về ở Vĩnh Long, cụ lấy làng Long Hồ làm ngụ quán.

Đến đời thứ 7, năm Minh Mạng thứ 10 (1829) cụ Thành Mỹ Hầu Nguyễn Khoa Minh, lúc ấy giữ chức Thượng thư bộ Lễ, có sớ tâu xin nhận làng An Cựu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên làm chánh quán, vì là lăng mộ Ông Bà nhiều đời táng ở đời táng ở đất Nội tán, thuộc địa phận của làng ấy. Từ đó về sau Họ Nguyễn Khoa lấy làng An Cựu làm chánh quán.