Sự tích làng Trạm Bạc

Làng Trạm Bạc thời xưa thuộc trấn Hải-dương, phủ Kinh Môn, huyện An Dương, tổng Văn Câu, nay là tỉnh Kiến An, huyện An Dương tổng Đồng Dụ. Họ Nguyễn Khoa khi xưa ở làng ấy từ năm 1557. Ngài Thủy Tổ Nguyễn Đình Thân theo chúa Nguyễn Hoàng vào Nam và con cháu ở trong Nam cho đến 5-6 đời, gần 300 năm. Trong thời gian này không có một vị nào có dịp về làng ấy, trong thời “Nam Bắc Phân tranh” khó ra vào.

Đến đời thứ 7, năm Minh Mạng thứ 10 (1829) ngài Thành Mỹ Hầu ra làm quan ở Hà Nội, mới một lần đi về thăm làng quê quán. Khi đến đó, chỉ thấy một vùng cây cỏ rậm rạp, dân cư không có, tìm kiếm lăng mộ cũng chưa thấy dấu tích. Ngài lấy làm xót xa, toan tính chiêu tập dân về lập nghiệp tại làng. Không ngờ cũng trong năm ấy có chiếu chỉ gọi ngài về Kinh Đô nhậm chức, thành thử công việc ngài đã dự tính chưa được thực hiện, nhưng ngài cũng thâu góp được một số ít tài liệu đem về.

Sau 20 năm, đến năm 1848, cụ Tuần Vũ Nguyễn Khoa Dục (đời thứ 8) là con trưởng của Ngài, ra làm Án Sát tỉnh Quảng Yên, nối tiếp tiên chí về thăm làng, cũng thấy cảnh tượng điêu tàn như vậy. Mất bao công khó, cụ mới tìm thấy giữa đám rừng hoang một gò đất cao, một bên có một miếu cũ, một bên có một giếng nước ngọt, chung quanh là ruộng nước mặn. Cụ liền khởi công lập làng ấy lại, sai ông Nguyễn Khoa Huấn ở lại trông coi (ông Huấn là cháu kêu cụ bằng bác ruột, là con thứ ba của cụ An Nhơn.) Công việc bề bộn, nào là mua đá thanh xây mộ, làm bia, làm một ngôi đình ngói, đào một giếng nước ngọt, đắp đập dài ngăn nước mặn, chiêu tập dân làng về (đầu tiên được ba gia đình họ Lễ, họ Nguyễn và họ Bạch), sắm cho họ đủ dụng cụ nông nghiệp… Dần dần dân làng tụ tập ngày càng đông. Mỗi năm cụ có tổ chức lễ tế Thần linh và lễ giỗ Tổ tiên. Bài ký khắc trên bia còn ghi lại.

Năm 1924, ông Nguyễn Khoa Tự (đời thứ 10) làm việc Kho bạc ở Saigon, cùng với bà ra Bắc đi viếng mộ. Ông Nguyễn Khoa Toàn (đời thứ 11), lúc ấy đang học Cao đẳng Sư phạm ở Hà Nội, cùng đi theo. Các vị chưa rõ đường sá, phải khó khăn lắm mới tìm đường đến làng và thăm mộ.

Hai vợ chồng cụ Nguyễn Khoa Tự có dâng lễ vật cúng tế ở nhà thờ và thết đãi người làng. Sau lại ra đó mấy lần nữa và có cúng một ít từ khí và một bức hoành to khắc năm chữ Nguyễn Khoa Tộc Khai Canh, treo chính giữa đình làm kỷ niệm. Cái đình ấy xưa nay làng vẫn thờ cụ Tuần Vũ Nguyễn Khoa Dục như một vị thần hoàng khai canh (có sắc phong Thần). Hiện nay làng Trạm Bạc đã trù mật lắm.

Ngôi mộ Tổ ở làng Trạm Bạc tục gọi là “Mộ Ông Nghè.” Đến bây giờ gần 400 năm, con cháu mới vài ba lần đi ra đến đó.

Đường đi về làng Trạm Bạc: Đáp xe hỏa đường Hà Nội – Hải Phòng. Lên xe từ ga Hà Nội cho đến ga Dụ Nghĩa, xuống đi đường bộ ba cây số đến bến đò Rế, qua bên kia sông là địa phận tỉnh Kiến An, huyện An Dương. Đi thêm một đoạn hai cây số nữa thì đến làng Trạm Bạc. (Bây giờ đường xá đã có xe ngựa cho thuê đi lại)

 

Thảo am Nguyễn Khoa Vy

(circa 1950)