Nhà thờ Họ xưa cũ kỹ và chật hẹp. Vả lại từ trước đến đời thứ 9, qua đời thứ 10, nơi đây chỉ là một nhà thờ riêng của nhánh 3, sau đó bà con cả Họ mới sắp xếp lại, giảm lễ Đông Chí hàng năm (vào tháng 11 âm lịch) tại nhà thờ trên đất Nội tán, để làm chung một hiệp kỵ vào ngày Thu tế nhằm mồng 6 tháng 7 âm lịch mỗi năm, cũng là ngày kỵ của Ngài Hiến chương Hầu Nguyễn Khoa Thuyên (đời thứ 6) tại Nhà thờ Họ ở Tây Thượng để con cháu cả bốn nhánh tư cùng về dự cho được đông đảo và ấm cúng.
Từ đó Từ đường ở Tây Thượng trở thành Nhà thờ chính của cả Họ, cho nên mỗi khi có lễ lạc, không đủ chỗ cho con cháu. Vì nhu cầu, đến năm 1919 Họ đồng ý xây cất một Nhà thờ mới do cụ Nguyễn Khoa Tùng (đời 10) đứng coi ngó. Không bao lâu sau đó, Nhà thờ mới, ba gian hai chái được xây cất xong, cao ráo, rộng rãi với toàn bộ cột kèo đòn tay bằng danh mộc, trông rất cổ kính, chắc chắn và đẹp đẽ. Đến năm 1958, vì có một số bộ phận bị mối mọt, chỉ có thể thay thế, nhưng bà con lúc ấy đã ủy thác cụ Nguyễn Khoa Tự (đời 10) là bậc trưởng thượng có uy tín trong Họ, đứng ra tổ chức quyên góp tài chánh trong Họ (trong đó ông Nguyễn Khoa Dai, đời 11, là người đóng góp nhiều nhất) để xây cất lại một Nhà thờ mới, nhưng vì quý Chú Bác lúc ấy ít ai để tâm tham gia trông coi xây cất, mọi việc chỉ một mình cụ Nguyễn Khoa Tự quán xuyến không xuể, phải giao bớt cho thân nhân coi ngó, do đó đã xảy ra một vài khuyết điểm về kỹ thuật cũng như kiến trúc, đặc biệt là việc thu hẹp mặt bằng, không được rộng rãi như kiến trúc cũ. Đến năm 1973, cụ Nguyễn Khoa Binh (đời 11) phải đứng ra một lần nữa, kêu gọi bà con đóng góp để sửa sang lại, trong đó việc mở rộng thêm hai chái, mỗi bên thêm được hơn một thước.
Rồi qua năm 1983, lại một phen sửa chữa vì cả hai phần đúc trước và sau đều bị dột, lần này do Ông Nguyễn Khoa Du (đời 11) phụ trách.
Nguyễn Khoa Sỹ