Tường thuật chuyến đi thăm mộ tổ Nguyễn Khoa ở thôn Trạm Bạc, xã Lê Lợi, huyện An Hải, tỉnh Kiến An, Hải Phòng

Từ khi cụ Nguyễn Khoa Tự (đời thứ 10) và cụ Nguyễn Khoa Toàn (đời thứ 11) từ Huế đi thăm mộ Tổ vào năm 1925, nay (4 1985) hai chú cháu là Nguyễn Khoa Sỹ (đời 11) ở Sài Gòn và Nguyễn Khoa Diệu Liên (bà Tôn Thất Hữu, đời 12) từ Pháp về thăm Việt Nam cùng Trương Thị Nhơn, trưởng nữ của bà Diệu Linh, mới có phương tiện tổ chức một cuộc hành hương viếng Mộ Tổ bằng xe hơi đi từ Sài Gòn ra Trạm Bạc. Đây là cuộc thăm mộ Tổ lần thứ 2 của con cháu Nguyễn Khoa ở miền Nam ra Trạm Bạc, tính từ 1925 đến nay (1985) vừa đúng 60 năm chẵn. Sở dĩ có khoảng cách xa như vậy là vì chiến tranh, đất nước bị phân chia, bà con miền Nam không thể ra Bắc được để thăm viếng mồ mã Tổ tiên. Tuy thế vẫn có một số ít con cháu Nguyễn Khoa sinh sống tại miền Bắc nhưng vì hoàn cảnh gia đình, vì phương tiện đi lại khó khăn nên không một con cháu nào lui tới viếng thăm, lâu ngày hóa ra có phần hoang phế.

Ngôi một Tổ trước kia có thể nói là một thắng cảnh của địa phương, dựng lên bởi những tảng đá lớn dài 2m, rộng 1m, dày 0m40, gối vào nhau làm thành hai ngôi Mộ song hành, cao 1m25, bên cạnh là một tấm bia lớn rộng 0m90, cao 1m80 chạm trổ rất công phu, một mặt đầy chữ Hán, nguyên vẹn còn rõ nét, không mất một chư, mặc dù bia đa trải qua một thời gian dài đầy biến cố của thời đại! Chỉ rất tiếc là nay quang cảnh của vùng đất này không giữ được hình ảnh của thời xưa: trước kia, một gò đất cao, vuông khoảng 2 sào ta giữa một cánh đồng ruộng mênh mông bát ngát, trên có những cây cổ thụ với bóng mát um tùm lại có một giếng nước trong veo. Chính chỉ có nơi đây là chỗ nghĩ ngơi của các nông dân sau hồi làm lụng vất vả dưới nắng mùa hè, và đây cũng là nơi tụ họp của lớp trẻ chăn trâu, nay lớn lên đã bốn năm mươi tuổi. Khi gặp chúng tôi, họ còn kể lại thời dĩ vãng với vẻ say mê, đầy hoài niệm. Nơi lý tưởng ấy nay không còn nữa, chỉ còn lại một khoảnh đất bị cắt xén bốn bề vuông khoảng 7m, trơ trọi ở giữa đồng rộng bao la, không cây cối sum sê với tàng lá phủ dày bóng mát của ngày xưa, cái giếng nước trong cũng đã bị lấp tự bao giờ. Hai ngôi mộ với tảng đá lớn tuy còn đó nhưng vì thời gian, nay không còn ngay ngắn như cũ, một số nhỏ hơn lại rải rác ngửa nghiêng đó đây quanh nền ngôi mộ, phía dưới ruộng thấp (những tảng đá này cỡ 1m x 0,60 x 0,40) duy chỉ tấm bia còn đứng nguyên vẹn, chỉ hơi nghiêng về phía bên tả.

Thật là một sự trùng hợp lạ thường hay anh linh Tổ tiên xui khiến? Ngày về thăm mộ Tổ lần này đúng vào ngày lễ Thanh Minh 16 tháng 2 năm Ất Sửu (05 04 1985) ngày nhân dân Hà Nội, mỗi người một bó hoa nhỏ trong tay, đi tảo mộ đông không kể xiết. Và Mộ Tổ ở một vị trí, mà theo các cụ xưa kể lại thì e phải vất vả lắm mới mong tìm được, nhưng may mắn thay, khi hỏi thì mọi người đều biết rõ và chỉ dẫn tận tường nên chỉ trong khoảnh khắc là tìm ra ngay mộ Tổ cũng như đình làng Trạm bạc. Nay đình làng chỉ còn chơi vơi trơ trọi hai bừc tường hai bên, cao khoảng 2m, rộng 1m60, xây trên nền đình mà nay vẫn còn nguyên dấu cũ; duy chỉ có cái bia của đình, tuy còn và mặt được úp sấp xuống đất nên chắc là chữ vẫn còn nguyên vẹn.

Đến đình làng Trạm bạc thì gặp ngay được bà cụ khoảng 70 tuổi, thân sinh của anh Nguyễn Văn Trường, niềm nở đón tiếp vào nhà, kể rõ cho chúng tôi nghe qua những chuyện về đình làng cũng như về ngôi mộ Tổ và những diễn biến trong mấy chục năm qua. Kế đó bà dẫn chúng tôi ra thăm mộ Tổ nằm cách đình khoảng một cây số. Được nhìn thấy mộ, nay không còn những cây cổ thụ mà chỉ là những bụi rậm gai góc mọc đầy qua các kẽ đá, quá xúc động chúng tôi liền thuê ngay người phát dọn, không kịp nghĩ đến phép tắc của địa phương, nên đã bị một vài cán bộ làm trở ngại. Chúng tôi đành chỉ làm sơ, chưa tính đến chuyện tu bổ sửa sang gì hết. Có một số tảng đá còn ngổn ngang dưới ruộng thấp, chúng tôi thuê người trục lên nhưng rồi họ cũng không làm nổi vì quá lớn, quá nặng vả lại họ cũng không có phương tiện để làm. Chúng tôi đành để yên để đợi dịp khác.

Ngoài ra, nhân dân trong thôn xóm, mặc dù mới gặp chúng tôi lần đầu, ai nấy đều vui vẻ, niềm nỡ, thân mật đón tiếp với một tinh thần cởi mở: họ kể lại cho chúng tôi nghe những chuyện, những sự tích về đình làng, về mộ Tổ, và họ vẽ cách thức để có thể sửa sang lại phần nào ngôi mộ… Trong số bà con chúng tôi được gặp, có bà Lê Thị Bi, năm nay 72 tuổi, sinh tại thôn Trạm bạc là cháu nội cụ Tổng Hào. Bà Bi kể: “Lúc sinh thời cụ Tổng là thân hào của địa phương nên cụ được giao phó chăm lo công việc trong thôn xã. Hàng năm xã ta có hai lễ lớn, một vào ngày mồng 10 tháng 2 ta gọi là lễ kỷ niệm, còn ngày mồng 1 tháng 4 ta là ngày tế Thân Hoàng (chính là ngày giỗ cụ Nguyễn Khoa Dục như trong Gia phả Nguyễn Khoa có ghi.) Lễ này lớn lắm. Mỗi khi có lễ là làng rước linh từ ngoài mộ Tổ vào đình làng khoảng một cây số, với đầy đủ nghi lễ cổ truyền như hương án với khói hương nghi ngút, cờ xí, chiên trống, lọng tàng. Quang cảnh rất trang nghiêm long trọng; các cụ thân hào trong làng đều mặc áo rộng xanh, khăn đóng chỉnh tề… Nhưng từ khi tình thế đổi thay, đình làng bị đập phá, những nghi lễ hình thức ấy không còn, tuy nhiên hàng năm đến lễ tế mồng 1 tháng 4, các cụ không quên đặt bàn thờ lên nền đình cũ với đủ lễ vật để cúng vái Tổ tiên, chính đó mới là quý! Và khi chúng tôi hỏi đến tuổi tác của cụ Tổng Hào thì các bác kia bảo là cụ Tổng gặp lúc rủi ro đã mất sau thời kỳ bị đấu tố, nếu không cụ chưa đến nỗi lìa đời vội vàng như thế!

Tổ chúng ta ra đời đến nay đã trên 450 năm và hiện chúng tôi là con cháu đời thứ 11 12; nhưng khi chúng tôi đặt bước chân đầu tiên lên đất Tổ ở Trạm bạc, chúng tôi cảm thấy chứa chan cả tình cảm của một người con khi tìm về được tổ ấm. Từ những ngọn núi xa xăm mờ mờ ảo ảo đến đồng ruộng xanh tươi bao la bát ngát hiễn hiện trước mắt, những hàng tra cao vút bao bọc xóm làng rải rác đó đây, những cảnh tượng ấy đã ghi vào tâm khảm chúng tôi một cảm xúc vô cùng êm đẹp và mãnh liệt. Do đó, đối với bà con Trạm bạc, mặc dù từ lúc lọt lòng mẹ chưa khi nào gặp, tình cảm của chúng tôi đối với họ cũng như với cảnh, thật vô cùng thắm thiết, xem như nơi chôn dau cắt rốn của chính mình vậy. Phải chăng cũng vì nơi đây là nơi Tổ của mình đã sinh ra, lớn lên rồi cũng là nơi nghìn thu an giấc của Tổ nên đã tạo cho tâm thần chúng tôi có sự quyến luyến vô biên như vậy?

Cuối ngày chỉ ghé lại ăn một bữa cơm nơi nhà anh Nguyễn Văn Trường (trong khuôn viên đất đình cũ.) Từ đó đến nay, và chắc chắn mãi mãi về sau, bữa cơm đạm bạc nhưng vô cùng thân mật ấy sẽ không bao giờ phai lạt trong ký ức của chúng tôi! Rất tiếc, sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ấy, chúng tội phải chia tay vì thì giờ quá hẹp. Chúng tôi cầu mong một cuộc gặp gỡ thứ hai sẽ đến gần đây với ý khuôn mặt khả ái của những bà con mà chúng tôi đã được gặp.

Trên đường về Quốc lộ số 1, cách Huế đúng 30km có một số bà con mang họ Nguyễn Khoa từ non một thế kỷ nay hết sức cố gắng nhưng không tìm ra manh mối, từ trong gia phả cho đến chứng tích ngoài đời. Do đó đã gọi là bà con nhưng mỗi khi gặp nhau không biết kêu gọi bằng gì: Chú hay bác, anh hay em, hay hàng cháu chắt? Thật là ngỡ ngàng và đây là một bận tâm mà cả Họ chưa thể nào giải quyết được. Lần này, vì chúng tôi đi xe hơi nhưng phải qua những đoạn đường đất nhỏ hẹp, bùn lầy nên không thể đến địa điểm có nhà thờ được, đành bỏ dở vậy.

Viết sau khi về đến Saigon, kết thúc hành trình Saigon (27/03/1985) — Trạm bạc — Saigon (13/04/1985)

       

Nguyễn Khoa Sỹ ghi