Năm Mậu Dần (1818), cụ Thành mỹ Hầu, húy là Nguyễn Khoa Minh, làm nhà thờ ở Tây Thượng để thờ thân phụ là ngài Tham chánh Hiến chương Hầu và anh chị em của cụ là các cụ Triệu thành Hầu và Bà Đệ tứ Cung phi (Nguyễn Khoa Thị Thu): ấy là Nhà thờ riêng của Phái Ba. Đến năm Quí Tỵ (1823) cụ có mua thêm một sở đất hơn 4 sào tiếp cận đất Nhà thờ và cụ có đơn xin hoán trưng lại hai sở nhập một, công là 2 mẫu 6 sào 5 (2m6s5). Sau lại cụ có trích ra 7 sào cho trưởng nữ là Bà Nguyễn Khoa Thị Bích. Vì bà không có con, nên các Ngài hồi đó đã thuận cử Ông Nguyễn Khoa Lượng ở phụng tự Bà, từ đó đến nay đã bốn đời. Thế là đất nhà thờ chỉ còn lại hơn một mẫu 9 sào, cụ giao cho cụ Bà và con trai là ông Tri phủ An Nhơn, húy Nguyễn Khoa Học, cư ngụ và làm chủ sự. Sau cụ An Nhơn lại cho bốn con Ông khẩn trị đất ấy, và ở bốn phía nhà thờ để chung lo việc phụng sự Ông bà.
Đến đời thứ 9 qua đời thứ 10 sau khi cụ Ba La tịch rồi, bà con trong Họ đồng ý giảm lễ Đông chí ở Nhà thờ trên đất Nội tán, làm lễ Hiệp Tự tại nhà thờ ở Tây Thượng gọi là Lễ Thu Tế. Lễ này cử hành vào ngày 6 tháng 7 âm lịch là ngày giỗ chánh của ngài Tham chánh Nguyễn Khoa Chiêm, lấy tiền chi phí từ hoa lợi chung hai sở đất Bạch Giá (vì đất ấy gồm có 8 sào của Họ và một mẫu hương hỏa của Ngài Tham chánh.) Lễ Thu tế và giỗ ngài Tham chánh được hiệp nhất để tăng phần long trọng và để Bà con tới đông đảo. Từ khi đó cho đến nay nhà thờ Tây Thượng vẫn là đất hương hỏa riêng của cụ Thành mỹ Hầu; bởi vậy trên bảy miếng trích lục đất ấy đều để tên cụ đứng làm nghiệp chủ.