Ngài thủy tổ Nguyễn Đình Thân

Theo bộ Quí hương Tiên nguyên Dã sử của làng Triệu Tường, tỉnh Thanh Hóa, đoạn nói về sự tích dòng Nguyễn Khoa, có chép như vầy:

Ông Nguyễn Ư Kì, nguyên làm Thái phó triều Lê, là cậu ruột của ông Nguyễn Hoàng. Năm 1557, ông theo Chúa Nguyễn Hoàng vào trấn miền Nam từ núi Hoành Sơn trở vô, có đem theo một người con nuôi mới lên sáu tuổi, tên là Nguyễn Đình Thân. Con cháu đời sau được đổi họ là Nguyễn Khoa. Con cháu đời đời theo phò hoàng triều nhà Nguyễn Phước lập nhiều công trạng.

Ngài Tổ làm quan với hai triều chúa Nguyễn ở dinh Ái Tử (Quảng Trị.) Ngài mất tại tỉnh lỵ, hung táng ở xứ ấy. Đến đời thứ ba mới qui về Huế làm mộ song hồn, cát táng ở vườn chánh đất Nội tán.

Phụ thân của Tô Nguyễn Đình Thân (Dã Sử)

Tục truyền ngài Nguyễn Đình Thân sanh trưởng trong một gia đình nghèo khó. Thân sinh ngài làm nghề đốn củi. Một hôm nọ, cụ thân-sinh cùng đi đốn củi với một đoàn nhiều bạn cùng nghề. Đến một quãng đường đầy bụi rậm, cụ kêu đau bụng và vào một lùm cây để đại tiện. Không ngờ cụ chết luôn tại đó mà không ai hay biết. Anh em đi cùng đoàn tưởng cụ nghỉ chân một lát rồi trở về nhà, không tiếp-tục đi nữa, nên không ai để ý.

Sau nhiều ngày, cụ bà ở nhà ngóng mãi không thấy cụ về, liền đi tìm và hỏi bà con thì có người thuật lại tự sự cho bà hay. Bà liền đến nơi đó để tìm chồng: người không thấy, chỉ thấy dấu vết còn lại là cái nón và đôi quang gánh, bên cạnh đó là một cái gò mối thật lớn. Cụ Bà rất đỗi ngạc nhiên không biết Cụ Ông bị cọp vồ hay đi đâu mất. Bà về xem bói thì thầy bói bảo chính ông đã bị chết và gò mối ấy là mộ của Cụ Ông được “thiên táng” (trời chôn) và như vậy là một điềm quí, sau này con cháu sẽ làm nên nghiệp lớn. Ong thầy khuyên Cụ Bà cứ để yên chớ nên dời đi. Đúng như thầy tiên đoán, sau này con cụ là ngài Nguyễn Đình Thân, phò nhà Nguyễn làm đến tước Đô Thắng Hầu. Tiếp theo con cháu hai cụ sau này đều là những vị đại thần.

Phỏng theo lời thuật của cụ-bà Thảo-am Nguyễn Khoa Vy

(Cụ Nguyễn Khoa Sỹ ghi chép)

Bàn về sự tích thân phù ngài Nguyễn Đình Thân vị tổ tộc họ Nguyễn Khoa

Từ xưa đến nay các bậc tiền bối Nguyễn Khoa không ghi chép sự tích kể trên trong sử sách (các nguyên bản chữ Hán cũng không thấy có.) Nhưng từ đời này qua đời khác, sự tích được truyền miệng trong một số con cháu, có lẽ vì các cụ xưa, theo quan điểm của thời đại phong kiến, đã đánh giá cuộc đời của thân phụ Ngài Tổ là tầm thường. Nhưng nghề đốn củi chưa hẳn là tầm thường, do đó người xưa có câu, Anh hùng lỡ vận lên nguồn đốn than. Nghề đốt than, đốn củi không phải là nghề lâu dài, mà chỉ là việc tạm bợ để kiếm tiền độ nhật trong khi chờ đợi cơ hội làm việc lớn. Cũng nhờ cụ thân sinh có đức lớn mới chết được “trời chôn,” người thường dễ gì mà được như vậy.

Còn về nguồn gốc của Ngài Tổ, mới lên 5 Ngài đã được nhận làm con nuôi của Ngài Nguyễn Ư Kỷ, nguyên là Thái phó triều Lê và là cậu ruột của Nguyễn Hoàng, tức là Thái tổ Gia Dủ Hoàng Đế.

Một cậu bé mới lên 5 mà lại được một vị quan làm đến chức Thái phó chọn làm con nuôi, không phải là chuyện ngẫu nhiên. Muốn tiếp nối sự nghiệp cũng như chí hướng sau này của chính mình, ông Thái phó đương nhiên phải chọn con nuôi sao cho xứng đáng, không chỉ căn cứ vào cậu bé khôi ngô đỉnh ngộ mà quan trọng hơn còn phải xét nguồn gốc, dòng giống của cậu bé nữa. Do đó mà chúng ta, con cháu của ngài Thủy tổ, có thể tự hào và quả quyết là thân sinh của Ngài Tổ họ chúng ta không phải là người tầm thường.

 

Nguyễn Khoa Sỹ viết