Dòng họ Nguyễn Khoa - Một dòng dõi trung thần

Dòng họ Nguyễn Khoa chánh thật gốc ở làng Trạm Bạc, tỉnh Hải Dương, Bắc Việt. Năm thứ 10 đời Minh Mạng (1829), do đơn xin của Nguyễn Khoa Minh, Vệ Úy Lễ Bộ, tộc Nguyễn Khoa được ghi trong Đinh Bộ tại làng An Cựu, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Ngày nay, phủ thờ của dòng họ Nguyễn Khoa ở thôn Gia Lạc, xã Dương Nổ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên.

Đời thứ nhất của dòng họ Nguyễn Khoa là ông Nguyễn Đình Thân, sinh năm Quý Sửu (1552), mất năm Quý Dậu (1633). Năm 1558, mới có sáu tuổi đã theo cha phò chúa Nguyễn Hoàng vào trấn Ái Tử, thuộc tỉnh Quảng Trị bây giờ. Năm 20 tuổi, ông đã làm đến chức Lãnh Binh tỉnh Quảng Trị. Đến đời thứ ba thì được chiếu vua ban, chữ lót “Đình” đổi thành “Khoa” và kể từ đó, con cháu đều thuộc dòng Nguyễn Khoa. Qua các triều đại nhà Nguyễn, lúc nào họ Nguyễn Khoa luôn luôn có những người đỗ đạt cao và giữ những chức vụ quan trọng.

Đời thứ tư có Nguyễn Khoa Chiêm, sinh năm Kỷ Hợi (1659), mất năm Bính Thìn (1736), thọ 77 tuổi. Năm 1701, ông được phái cùng với các vị quan khác như Trần Đình Khánh, Tôn Thất Diệu, Tống Phước Tài vào Quảng Bình để chỉ huy quân sĩ và thiết lập các trấn ải. Năm thứ 19 đời Minh Vương (1710), ông được phong chức Cai Hạp. Năm thứ 23 cũng đời Minh Vương (1714), ông giữ trách nhiệm phân phối quân lương và ấn định thuế điền địa. Sau khi mất, ông được ban tước Bản Trung Hầu.

Đời thứ 5 có Nguyễn Khoa Đăng là được nhắc nhở nhiều nhất. Ông sinh năm Tân Tị (1691) là con thứ hai của ông Nguyễn Khoa Chiêm. Dưới triều Minh Vương (1691-1725), ông giữ chức vụ Chánh Dinh Nội Tán Thống Tri Quân Quốc Trọng Sự (cố vấn riêng của triều đình, phụ trách quân sự vụ). Cũng trong thời gian đó, ông biên soạn tài liệu giải thích luật lệ để việc áp dụng và tuân hành được dễ dàng. Ông được nhà vua tin dùng vì tính tình ngay thẳng lại có óc thông minh đặc biệt. Có rất nhiều mẩu chuyện nêu lên biệt tài quân sự và trí thông minh của ông. Ở Huế ai cũng nghe câu hò:

Thương anh em cũng muốn vô,

Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang.

Truông nhà Hồ là vùng sỏi cát nhưng rậm rạp thuộc vùng Hồ Xá, tỉnh Quảng Bình bây giờ. Ngày trước, khi tỉnh này còn là Ô Châu ác địa, Hồ Quý Ly đã dùng chính sách di dân bắt đầy các tội phạm vào đây sinh sống. Sau khi nhà Hồ mất, luật pháp không còn, các phạm nhân đi cướp bóc, quấy nhiễu khách buôn lương thiện. Quan Nội Tán Nguyễn Khoa Đăng xin lập kế diệt cướp. Ông cho lính núp trong các thùng gỗ, giả làm hàng hóa, rồi cho khách buôn gánh đi, duy chiếc thùng cuối được khoét lỗ cho lính có thể rải giấy làm dấu chỉ đường cho quân lính theo sau. Khi quân cướp mở các thùng gỗ thì quân lính xông ra nhập với đoàn tiếp viện cũng vừa tới, nội công ngoại kích nên bắt được trọn ổ. Từ đó về sau, truông nhà Hồ không còn là mối lo ngại cho những khách buôn nữa. Chàng trai Huế, muốn trấn an người em gái Bắc, liền hát:

Phá Tam Giang ngày rày đã cạn

Truông nhà Hồ, Nội Tán cấm nghiêm.

Nói đến phá Tam Giang, có rất nhiều chuyện truyền khẩu về những lượn sóng thần làm lật úp thuyền bè qua lại. Biết rằng khúc sông trước khi ra phá Tam Giang, chạy qua vùng Bàu Ngược (thuộc làng Vĩnh Xương và Kế Môn, huyện Quảng Điền) rất sâu lại quanh co, nên đến thu đông, gió lớn, gây những vụ đắm thuyền, nên một mặt quan Nội Tán đêm đêm cho lính đào một con sông thẳng, để thuyền bè dễ qua lại. Mặt khác, biết dân chúng hay mê tín dị đoan, ông cho đóng một chiến thuyền, bốn bề che kín, duy chỉ để chừa một lỗ vừa đủ cho họng súng thần công, rồi dưới sự chứng kiến của nhà vua, chiếc thuyền vượt ra khơi bắn hai phát súng làm gẫy hai con sóng. Phát thứ ba vì nhắm trật nên thần sóng chạy thoát. Lúc đào sông, gặp chỗ đất phù sa, dòng sông nhuộm đỏ như máu, làm dân càng tin là hai vị thần sóng đã bị súng thần công bắn chết.

Một câu chuyện khác cũng được truyền tụng trong dân chúng. Tỉnh Quảng Bình thời đó trộm cướp như rươi. Ông cho nhiều điềm-chỉ-viên theo dõi và biết được hầu hết danh tánh của chúng. Một hôm, có một bà gánh dầu đi bán, bị vấp ngã và đổ hết số dầu là vốn liếng làm ăn, tại một địa điểm gần ông Thần Đá. Người này đến khiếu nại cùng ông và thưa rằng Thần Đá đã không phù hộ cho bà ta mặc dù thần đã nhận đủ lễ vật mà bà ta vẫn thường dâng lên. Vì thiếu nhân chứng, ông không xét xử gì sau khi nghe khiếu nại, chỉ bảo người đàn bà lui về mà thôi. Vài ngày sau, ông bảo thuộc hạ:

– Tỉnh ta đầy trộm cướp. Tại sao vị Thần Đá kia, quyền uy như vậy mà lại chẳng giúp gì cho dân dù đã nhận rất nhiều lễ vật?

Ông ra lệnh đem ông Thần Đá, thật ra chỉ là một tảng đá lớn, đến để xét hỏi. Sau khi ông Thần Đá được khiêng đến, ông ra lệnh cúng kiếng và than rằng:

– Hỡi Thần, ngài đã nhận biết bao lễ vật của dân; nay trước mắt ta, Thần phải tiết lộ danh sách của bọn cướp và trả lại an vui cho dân lành.

Ông lại quay sang bảo các chức sắc:

– Hãy chuẩn bị giấy bút, khi Thần khai là ghi chép ngay. Chiều nay phải làm cho xong. Nếu không thì sáng mai ta sẽ đích thân hỏi Thần Đá.

Đã có ai nghe “Đá” biết nói bây giờ? Vì vậy đêm xuống mà chẳng có vị chức sắc nào ghi được một chữ! Trong đêm đó, ông sai thuộc hạ đào một cái hầm từ giữa sân ăn thông vào trong đình. Miệng hầm được lót ván phủ đất lên rất khéo, khó mà nhận ra.

Sáng hôm sau, thuộc hạ đặt Thần Đá trên miệng hầm, phía dưới đã có người ngồi trong hầm. Vì vậy khi ông hỏi tên của kẻ gian đều được Thần Đá khai rõ. Đến trưa thì chuyện Thần Đá biết nói đã lan rất xa. Người hiếu kỳ muốn xem tận mắt, nghe tận tai thì phải trả tiền. Tiền thu được, ông hoàn lại cho người đàn bà bán dầu. Còn kẻ cướp, lớp bị bắt, lớp sợ nên giải nghệ. Cuộc sống an vui được tái lập từ đó. Quan Nội Tán Nguyễn Khoa Đăng đã lập rất nhiều công trạng nên được vua thương, vì thế, có nhiều người ganh tị. Sau khi Minh Vương qua đời, ông bị tay chân của tên Nguyễn Cứu Thế ám hại năm 1725 khi mới vừa 34 tuổi.

Đời thứ sáu có ông Nguyễn Khoa Thuyên, sinh năm Giáp Thìn (1724), mất năm Kỷ Dậu (1789), thọ 66 tuổi. Dưới triều Võ Vương, ông giữ chức Cai Bộ ở tỉnh Long Hồ miền Nam. Đời Huệ Vương, khi quân Tây Sơn nổi dậy, ông cùng Tống Phước Hiệp chỉ huy binh sĩ của 5 tỉnh Bình Khương, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn và Long Hồ, đánh tan quân phản loạn để chiếm lại 3 tỉnh Bình Thuận, Diên Khánh và Bình Khương. Sau đó, ông tập họp binh sĩ để theo Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long) xuống thuyền về Nam. Ông được phong chức Tham Chánh, phò Nguyễn Ánh vào tận Gia Định. Năm 1776, trong chức Khâm Sai Tham Chánh, ông đúng đầu bộ Tài Chánh và Quốc Phòng. Khi Nguyễn Ánh tuyệt lộ và bại trận, ông phải sống trà trộn như một dân thường. Sau này về Huế, ông sống ẩn dật và mất tại đây, rồi dược truy tặng tước Hiến Chương Hầu.

Đến đời thứ bảy có Nguyễn Khoa Kiên, sanh năm Giáp Tuất (1754) và mất năm Ất Vị (1775) lúc mới 22 tuổi. Dưới đời Huệ Vương (1765-1777), ông Kiên giữ chức Khâm Sai Đốc Chiến Triệu Thành Hầu. Ông cao to, vạm vỡ, sức mạnh hơn người, được vua phái đi đánh dẹp loạn Tây Sơn. Mặc dù quân lính ít hơn, nhưng ông đánh đâu thắng đó, nên được ví như Triệu Tử Long (một danh tướng nhà Hán, thời Tam Quốc bên Tàu). Quân Tây Sơn, biết địch không nổi, nên tìm cách lẩn tránh. Trong một trận thủy chiến ngoài khơi Phú Yên, chiến thuyền ông gặp bão, phải tấp vào đảo Tam Sơn và bị giặc bắt sống. Lúc bấy giờ ở Quảng Nam có hai Tướng Tôn Thất Quyên và Tôn Thất Xuân, chống trả với quân Tây Sơn rất dũng mãnh. Giặc bèn dùng kế nồi da xáo thịt, phong cho ông Kiên chức Đại Tướng, sai cầm quân đánh lại quân của Tướng Quyên và Tướng Xuân. Ông Kiên xỉ vả sứ thần rồi rút kiếm tự vận để khỏi mắc mưu địch. Về sau ông được phong Dực Vận Kiệt Tiết Công Thần Chiêu Dõng Tướng Quân, Cẩm Y Vệ, Chưởng Vệ Sự (tạm dịch là Tướng thông minh vạm vỡ, Tư Lệnh đại quân của Vua). Đến thời Minh Mạng, ông được vua tri ân cho đem bài vị thờ trong điện dành cho các vị công thần đã vị quốc vong thân, ngày đêm có lính hầu bên mộ.

Em trai áp út của Nguyễn Khoa Kiên là Nguyễn Khoa Minh, sinh năm Mậu Tuất (1778) mất năm 1837. Thâm nho từ nhỏ, ông làm quan từ năm thứ ba đời Gia Long cho đến năm thứ mười hai (1816) , ông giữ chức Tham Tri Bộ Binh. Năm thứ sáu Minh Mạng (1825), ông giữ chức Thanh Tra bộ Tài Chánh. Năm 1826, ông xin nhà vua thiết lập một trường quân sự để đào tạo con cái của các võ quan. Trường quân sự đầu tiên có tên là Anh Danh Giáo Dưỡng, đặt gần Đông Ba.

Nguyễn Khoa Hào là em út của Nguyễn Khoa Kiên, sinh năm Kỷ Hợi (1779) là một đại thần triều Nguyễn. Năm Minh Mạng thứ năm (1824) ông giữ chức Tổng Trấn Nghệ An đặc trách việc ngoại giao với nước Ai Lao. Vài tháng sau, vua nước Lào bị quân nổi loạn truất phế, phải qua nhờ Hào che chở. Ông Nguyễn Khoa Hào đem quân giúp vua Lào dẹp loạn, xong đưa vua Lào lên ngôi trở lại. Vua Minh Mạng ban thưởng vàng bạc và phong chức Tham Tán Kinh Lược Đại Thần, phụ trách việc bang giao với các lân bang.

Dưới triều Minh Mạng thứ 12, Nguyễn Khoa Dục, sinh năm Mậu Thìn (1808) là một danh tướng được các lân bang kính nể. Năm Tự Đức thứ nhất (1854), ông giữ chức Bố Chánh tỉnh Quảng Yên (Bắc Việt). Lúc bấy giờ, giặc Tàu Ô thường qua quấy nhiễu, nên Dục xuất quân bắt sống tên đảng trưởng cùng với 164 quân cướp. Vua Tàu sai Tổng Trấn Quỳnh Châu (đảo Hải Nam bây giờ) đem thuyền chở lễ vật xuôi dọc theo sông Bạch Đằng đến khen thưởng. Ông trả lời: Tôi đã được vua chúng tôi ban thưởng nên không dám nhận báu vật của Ngài. Quân Tàu Ô thuộc vùng duyên hải tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông, Tô Giang, Tích Giang được quân Tây Sơn cấu kết, cấp súng ống phong chức tước, để quấy phá Quảng Yên là nơi có đền thờ của dòng họ Nguyễn Khoa, trung thành với nhà Nguyễn. Dục tức giận vì mồ mả tổ tiên mình ở làng Trạm Bạc thường hay bị phá quấy nên có âm mưu gây chiến luôn cả với Trung Quốc. Vua Tàu nghe tin, liền gởi tối hậu thư cho vua Tự Đức chất vấn lý do Dục đòi đánh Trung Hoa và yêu cầu giao Dục cho sứ thần Trung Quốc mang về để trị tội. Vì nể dòng họ Nguyễn Khoa đã bao đời tận tụy với triều đình, nên vua giao một phạm nhân cho sứ thần, rồi gọi Dục về triều đình, chỉ quở trách: “Trẫm biết khanh thường hay quá tửu; vậy phải chừa đi, để khỏi hổ danh dòng họ.” Vì biết không ai trấn giữ nổi tỉnh Quảng Yên ngoài Dục, nên Vua phục hồi chức vụ, phong ông làm Án Sát để dẹp giặc. Đời Tự Đức năm thứ 13 (1860), ông dẫn đầu quân lính đi dẹp giặc Tàu Ô, chẳng may bị tử thương tại Quảng Yên. Bài vị ông được thờ trong đền Trung Nghĩa (Đền thờ các vị công thần trung nghĩa).

Phỏng theo tài liệu của G. Rivière: “Une Lignée de Loyaux Serviteurs: Les NGUYEN KHOA” với sự giúp đỡ của quý ông Vĩnh Bội, Nguyễn Khoa Điềm và Nguyễn Hải.

nvbonphuong.com